Không gì buồn hơn là nhìn vào bức ảnh dưới đây: Danh sách chấn thương của đội hình Arsenal sau trận thắng Hull City ở vòng 5 FA Cup. Danh sách chấn thương này chỉ thiếu thêm một cầu thủ nữa là đủ 11 người cho một đội hình xuất phát cho Arsene Wenger.
Danh sách chấn thương của Arsenal (ảnh chụp từ kênh truyền hình BT Sport)
Per Mertesacker và Gabriel được HLV Arsene Wenger cho biết không bị đau quá nặng. Nhưng Aaron Ramsey thì có thể nghỉ rất lâu với chấn thương bắp đùi. Wenger tung Ramsey ra từ ghế dự bị mặc dù Ramsey đã bị đau nhẹ trước đó. Arsenal đã thắng Hull 4-0 nhưng đổi lại, cái giá phải trả đắt là tình trạng chấn thương – một trạng thái xảy ra thường xuyên với đội hình Arsenal vào giai đoạn này hàng năm.
Trớ trêu làm sao, họ thắng một trận đấu ở FA Cup và đồng thời khiến FA Cup là đấu trường duy nhất họ còn hy vọng vô địch. Tuần sau đã là trận lượt về vòng 1/8 Champions League với Barcelona hùng mạnh, và ở lượt đi dù lực lượng chưa đến nỗi tàn tạ nhưng Arsenal đã thua liểng xiểng 0-2, vậy thì cơ hội nào cho “Pháo thủ” cho trận lượt về?
Trong khi đó ở Premier League họ đã bị Leicester bỏ xa tới 8 điểm và dù về lý thuyết họ còn khả năng bắt kịp ngôi đầu bảng trong 9 vòng cuối, họ sẽ phải vượt qua Tottenham trước rồi mới tới Leicester. Arsenal giờ còn không đủ cầu thủ giỏi để hy vọng thắng đều đặn từ giờ đến hết mùa, chứ chưa nói đến tranh ngôi với hai đối thủ kia.
Vấn đề chấn thương đã luôn được gắn liền với Arsenal trong một thời gian khá dài, có lẽ từ năm 2008 cho tới nay. Có vô số giả thuyết được đưa ra để giải thích cho tình trạng này:
1) Giả thuyết “kiểm soát bóng”
Cựu cầu thủ Gilles Grimandi, người từng khoác áo Arsenal và giờ làm nghề tuyển trạch, từng đưa ra lập luận rằng các cầu thủ Arsenal luôn chơi một thứ bóng đá cầm bóng ép sân. Từ đó mà suy thì các cầu thủ cũng bị xoạc nhiều nhất và do đó hay chấn thương nhất.
Giả thuyết này có con số chứng minh tính đúng đắn. 6 mùa giải gần nhất Arsenal luôn dẫn đầu danh sách đội bị chuồi bóng nhiều nhất, và năm nay họ là đội đứng thứ 3 trong số các CLB bị phạm lỗi nhiều nhất Premier League (sau Chelsea & Swansea).
2) Giả thuyết “Gary Lewin”
Gary Lewin là cựu trưởng bộ phận y tế của Arsenal trong thời gian 22 năm, trước khi rời CLB năm 2008 để lên làm việc cho ĐT Anh. Một trong những lý do Lewin rời Arsenal là vì ĐT Anh đề nghị lương cao hơn.
Một thống kê giật mình được đưa ra cách đây vài năm: trước khi Gary Lewin rời CLB, Arsenal trung bình hàng năm có khoảng 59,4 trường hợp chấn thương ở cả đội hình chính, đội trẻ lẫn dự bị. Sau khi Lewin rời CLB, số chấn thương trung bình hàng năm của Arsenal tăng lên 76,3 ca.
Gary Lewin chữa trị cho Michael Owen ở ĐT Anh
3) Giả thuyết phương pháp tập
Có một tin đồn xuất hiện năm 2014 chỉ trích Arsene Wenger và phong cách tập luyện thiếu khoa học là lý do vì sao các cầu thủ Arsenal hay chấn thương. Theo tin đồn này thì các cầu thủ Arsenal bị Wenger đòi hỏi tập với bóng thường xuyên thay vì nâng tạ và các hoạt động rèn sức bền.
4) Giả thuyết Gulliver
Theo giả thuyết Gulliver thì, do các cầu thủ Arsenal thường xuyên ở thế bất lợi về mặt thể hình so với đối thủ (chiều cao trung bình của các cầu thủ Arsenal thấp hơn 4cm so với trung bình của Premier League), họ phải vận động với cường độ lớn hơn bình thường và do vậy họ dễ bị đau các phần cơ thể hơn.
Đội hình nhiều cầu thủ nhỏ con của Arsenal cũng đồng thời thường xuyên chịu đòn
Không biết giả thuyết nào đúng đắn, nhưng mọi giả thuyết đều có điểm chung là có, không ít thì nhiều, trách nhiệm của Arsene Wenger trong đó.
Arsenal đá kiểm soát bóng là do Arsene Wenger. Gary Lewin rời Arsenal cũng do Wenger không tăng lương được cho người trợ lý thân cận. Phương pháp tập của Arsenal nếu đúng như tin đồn thì cũng là do Wenger áp dụng. Và đội hình nhỏ con của Arsenal chẳng phải là do Arsene Wenger tự xây dựng nên?
Vậy nên nếu Arsenal năm nay lại làm quen với mục tiêu top 4 và tập trung vào FA Cup, các fan “Pháo thủ” có thể đổ lỗi cho Arsene Wenger. Nhờ “Giáo sư” mà cầu thủ Arsenal mong manh không kém “chân thủy tinh” Arjen Robben, và với đội hình quặt quẹo theo chu kỳ như vậy, Arsenal năm này qua năm khác đều “thi xong xuôi tất cả lại… về” ngay từ 3 tháng đầu năm.
keo bong da - ca cuoc bong da - ty le ca cuoc
0 nhận xét:
Đăng nhận xét