Nhà báo Anh Ngọc đưa tin ở sự kiện Euro 2012. Ảnh: Internet.
* Anh đã đưa tin bao nhiêu kỳ EURO? Nước chủ nhà nào khiến anh ấn tượng nhất trong những lần tham gia tác nghiệp, và kỷ niệm mà anh cảm thấy thú vị và đáng nhớ nhất tại các vòng chung kết bóng đá châu Âu?
- Đây là giải Euro thứ ba tôi tham gia trực tiếp tác nghiệp từ các nước đăng cai giải và cũng là giải thứ 5 tôi thực hiện các công việc báo chí liên quan đến Euro (lần đầu tiên là EURO 2000, khi tôi dẫn chương trình bình luận trực tiếp trên kênh HTV Hà Nội).
Ukraine là nước để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất và cũng là giải đấu có nhiều kỷ niệm nhất. Vào thời điểm 2012, khi tôi đến đó để đưa tin về Euro 2012, tôi đã cảm nhận được những xung đột lớn lao trong lòng xã hội Ukraine, khi những giằng xé về chính trị giữa một bên là Phương Tây và bên kia là nước Nga, để rồi cuối cùng dẫn đến những biến động chính trị và cuộc nội chiến ở phía Đông Ukraine như ta đã thấy hôm nay.
Điều mà tôi quan tâm trong chuyến đi ấy và rất nhiều các chuyến đi khác không chỉ là bóng đá, mà là những số phận con người, những câu chuyện về cuộc sống mà tôi gặp trong hành trình một tháng diễn ra giải. Ở Ukraine, đấy là câu chuyện về một chú bé bị bệnh Down, một ông già phải bán đi cả huân chương từ thời Chiến tranh vệ quốc để sống, một khu mỏ nghèo nàn chìm trong khủng hoảng, một trang trại vịt nghèo ở cách sân đấu lộng lẫy không xa. Sự cách biệt giàu nghèo và khoảng cách giữa các thế hệ đã từng gắn bó với thời XHCN và thế hệ trẻ thèm khát các giá trị Phương Tây ở Ukraine quá lớn, trong khi đấy là một đất nước rất đẹp và nhiều giá trị về văn hóa và lịch sử.
Đấy là một giải đấu mà đội Italy mà tôi hâm mộ đã vào đến chung kết, để rồi thua Tây Ban Nha đến 0-4 một cách tan nát. Cảm giác đau đớn và bàng hoàng tôi đã từng trải qua hồi 2000, khi ĐT Italy thua Pháp ở hiệp phụ trong một trận chung kết mà Italy đá tốt hơn nhiều. 12 năm sau, tuyển Italy thua đau hơn, nhưng cảm giác như hồi 2000 không còn tồn tại nữa. Mình đã trưởng thành hơn, nên đã chai sạn đi chăng?
Hôm ấy, tôi ngồi trên khán đài của sân Kiev, giữa một nhóm cổ động viên Tây Ban Nha và tôi chia vui cùng với họ. Xét cho cùng, thắng thua trong bóng đá cũng là chuyện nhỏ, vì bóng đá chỉ là một đam mê, một phần cuộc sống của ta, nhưng thua trong cuộc đời mới là đau đớn. Đội bóng của ta bây giờ thua còn có cơ hội để sau đó chiến thắng và gạt đi quá khứ, nhưng ở đời, có khi không có cơ hội cho việc sửa chữa sai lầm. Yêu bóng đá nói chung và yêu bóng đá Italy nói riêng đã dạy tôi điều này.
* Trước tình trạng khủng bố ở châu Âu hiện diễn ra phức tạp, và nước Pháp cũng đã phải chịu mất mát lớn từ những vụ đánh bom. Anh đánh giá khâu chuẩn bị của nước chủ nhà cho giải đấu này ra sao, và nước Pháp làm gì để đảm bảo an ninh cho EURO 2016?
- Hơn 60.000 người là cảnh sát, các lực lượng đặc biệt, hiến binh và các lực lượng bán vũ trang của Pháp đã được huy động để đảm bảo an ninh cho giải đấu này. Đấy là chưa kể các lực lượng khác mặc thường phục sẽ có mặt để đối mặt với nguy cơ khủng bố cho Euro. Nếu chỉ nhìn con số, ta sẽ thấy đây là giải đấu được đảm bảo an ninh cao nhất, nghĩa là suy ra trên lý thuyết, đấy cũng là giải có nguy cơ bị tấn công nhiều nhất.
ISIS đã nhiều lần đe dọa sẽ tấn công nước Pháp trong dịp này. Những âm mưu đó trên thực tế đã bị phanh phui. Nhưng không có gì đảm bảo chắc chắn rằng, ở một giải đấu mà cả thế giới chú ý đến như thế, với hàng vạn người từ các nước đổ về đây trong tháng Euro, sẽ không có chuyện gì xảy ra cả. Thế nên tôi tin, sau khi đã xảy ra các vụ tấn công tháng 1/2015 vào tòa soạn báo Charlie Hebdo cũng như vụ tấn công ở Paris giữa tháng 11/2015, nước Pháp không muốn mất mặt bằng việc để xảy ra một vụ khủng bố nữa, khi EURO 2016 diễn ra. Đây là thời điểm khó khăn cho nước Pháp, khi họ vừa phải chống lại thiên tai, đương đầu với những cuộc biểu tình, bãi công chống đạo luật lao động mới ở khắp nơi vừa phải đảm bảo để không xảy ra sự cố nào liên quan đến khủng bố trong EURO 2016. Đấy là một thách thức rất lớn. Nhưng tôi tin, Pháp sẽ vượt qua tất cả.
* Theo anh, lo ngại nguy cơ khủng bố sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý của các đội tuyển khi dự Euro?
- Không phải bây giờ mới xuất hiện nguy cơ khủng bố. Khủng bố ở các nước Phương Tây nói chung và châu Âu nói riêng đã là một nguy cơ đe dọa đến các giải thể thao lớn từ nhiều thập kỉ nay rồi, đặc biệt là sau khi xảy ra sự kiện 11/9 ở Mỹ. EURO 2016 này không nằm ngoài mối quan tâm chung của dư luận về nguy cơ khủng bố. Nhưng tôi không tin là nguy cơ này ảnh hưởng đến tâm lý của các đội tuyển dự giải. Họ là những nhà thể thao chuyên nghiệp, và họ được đảm bảo an ninh tối đa trong giải.
* Nước Pháp sẽ chào đón cơn lốc cổ động viên yêu bóng đá trên thế giới trong kỳ EURO 2016. Theo anh, họ có sự chuẩn bị gì để giải quyết vấn đề nhạy cảm mại dâm khi EURO 2016 diễn ra?
- Không có Euro thì mại dâm vẫn cứ tồn tại, dù Pháp đã đưa ra đạo luật liên quan đến việc phạt khách hàng. Tôi nghĩ đây là một vấn đề không thể giải quyết được một cách trọn vẹn.
* Anh có quan điểm thế nào về việc Quốc hội Pháp thông qua luật mới về hoạt động mua bán dâm hồi tháng 4? Khi luật mới được thông qua, các mức phạt sẽ chỉ áp dụng với người mua dâm, còn người mối lái và gái mại dâm có thể không chịu truy tố, liệu đây có phải là một trong những giải pháp của nước chủ nhà trong việc kiểm soát tình hình an ninh?
- Tôi không dám lạm bàn gì về chuyện này, nhưng tôi nghĩ là việc đưa ra cách phạt như thế là để chặn cầu, theo kiểu chặn cầu thì sẽ chặn nguồn cung, và cách như thế có ý nghĩa đối với toàn xã hội hơn là liên quan đến an ninh. Tôi cũng nghĩ rằng việc này không liên quan gì nhiều đến EURO 2016.
Một khu nhạy cảm ở Paris. Ảnh: Internet.
Truyền thông Pháp khuyến cáo người hâm mộ Anh nên cẩn trọng khi muốn vui vẻ cùng các cô gái tại EURO 2016. Ảnh: Nightlife.
* Vài ngày trước khi EURO 2016 khởi tranh, Thủ đô Paris và nhiều thành phố khác của Pháp chịu cảnh lụt lội vì mưa lớn kéo dài. Theo anh, điều đó sẽ ảnh hưởng ra sao đến việc di chuyển, kế hoạch tập luyện và lịch thi đấu của các đội tuyển dự giải?
- Đây là đợt thời tiết xấu tồi tệ nhất xảy ra với Paris trong vòng một thế kỷ qua. Chắc chắn điều này ảnh hưởng rất nhiều đến công tác chuẩn bị của nước chủ nhà cũng như các đội dự giải, nhất là các đội sẽ đóng quân ở các vùng bị thiên tai. Nhưng dù sao, thì thà xảy ra vào thời điểm này cũng vẫn còn đỡ hơn là bóng lăn rồi mà lũ lụt mới ập xuống nước Pháp.
* Anh đánh giá người dân Pháp sẽ đón chào vòng chung kết bóng đá châu Âu như thế nào khi đang vật lộn với cảnh ngập lụt và lo lắng trước nguy cơ khủng bố?
- Pháp là một quốc gia lớn và cũng không phải đây là lần đầu tiên họ tổ chức một giải đấu bóng đá lớn. Pháp từng đăng cai 2 giải Euro, 1 giải World Cup và nhiều sự kiện thể thao lớn cũng như các sự kiện văn hóa, chính trị và kinh tế khác, nên có rất nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý những chuyện như thế này rồi. Vấn đề khủng bố thực ra nghiêm trọng hơn nhiều vấn đề thiên tai, vì mức độ và ảnh hưởng của nó lớn hơn nhiều. Nhưng tôi cũng tin rằng, họ sẽ làm tất cả để không xảy ra chuyện gì.
* Theo cảm nhận của anh, liệu Euro năm nay có diễn ra suôn sẻ và thành công hay không?
- Tôi không mong gì hơn là như thế. Đã đi nhiều giải lớn, tôi nhận thấy một điều là công tác tổ chức ở các nước đều rất tốt. Đương nhiên là trước giải, có rất nhiều chuyện xảy ra. Đã có những cuộc biểu tình ầm ĩ ở Nam Phi trước World Cup 2010, những rắc rối chính trị trước Euro 2012, những cuộc bãi công và biểu tình trước World Cup 2014, nhưng rồi cuối cùng mọi chuyện cũng suôn sẻ và ổn thỏa. Họ tự biết cách giải quyết các vấn đề nội bộ của mình như thế nào, tức là có những thỏa hiệp, để cho giải đấu diễn ra tốt đẹp.
Bản thân tôi, đây là lần thứ 5 trong 8 năm qua tôi đi đưa tin từ các nước đăng cai World Cup và EURO, tôi chỉ mong mình dư thừa sức khỏe để "chiến đấu" trong cả giải này trên đất Pháp. Dự kiến tôi sẽ di chuyển khoảng 10.000 km vòng quanh nước Pháp trong giải này và sẽ tự mình lái xe rong ruổi trên các con đường, hàng ngày vừa viết các phóng sự. Khối lượng công việc sẽ rất đồ sộ và vất vả đối với một người vừa di chuyển đường dài hàng ngày, vừa phải làm việc, nhưng tôi đã quen với cách làm việc như vậy rồi.
Hẹn gặp lại các bạn với các bài viết của tôi từ đất Pháp.
Nhà báo Anh Ngọc (tên đầy đủ là Trương Anh Ngọc, sinh ngày 19/1/1976 tại Hà Nội) là phóng viên thời sự quốc tế, phóng viên thể thao, bình luận viên bóng đá, nhà văn. Anh Ngọc được biết nhiều khi là một trong những nhà báo thể thao hàng đầu Việt Nam, đặc biệt về bóng đá Italy. Ngoài ra, anh cũng nổi tiếng là một trong những bình luận viên được yêu thích qua nhiều giải đấu và là phóng viên tác nghiệp tại các sự kiện thể thao lớn trong và ngoài nước. Kể từ năm 2010, anh là phóng viên Việt Nam đầu tiên và duy nhất tới nay được tạp chí danh tiếng France Football mời tham gia bình chọn cho danh hiệu Quả bóng vàng FIFA.
Song song với công việc phóng viên, Anh Ngọc cũng đã cho ra mắt những cuốn ký sự viết về hành trình khám phá và tác nghiệp của mình. Cuốn sách đầu tay "Nước Ý, câu chuyện tình của tôi" được phát hành vào tháng 5 năm 2012 có được nhiều đánh giá rất tích cực từ người hâm mộ. Cuốn sách thứ hai "Phút 90++" được ra mắt vào tháng 10/2013 cũng có được tiếng vang lớn.
Đức Mạnh - Đăng lúc: 13:56 07/06/2016
0 nhận xét:
Đăng nhận xét