Những diễn biến phức tạp và khó lường của chặng đường đã qua tại EURO 2016 vô tình đẩy những ứng viên lớn cho chức vô địch vào cùng một nhánh trên hành trình tiến tới trận chung kết. Vậy nên, với người Pháp, tất cả các trận đấu sắp tới – nếu họ đủ sức tiến bước, đều là trận chung kết.
Nếu cái tên CH Ailen ở vòng 1/8 khiến người Pháp cảm thấy yên tâm thì họ sẽ phải nghĩ lại. Bởi người CH Ailen sẽ không nói về chiến thắng của họ trước Italia ở trận đấu cuối cùng vòng bảng làm cơ sở cho sự tự tin khi đứng trước chủ nhà. Họ sẽ nhắc lại nỗi đau của năm 2009, thời điểm họ bị Thierry Henry và Les Bleus cướp mất cơ hội tham dự World Cup 2010. Họ chờ 7 năm để đến ngày đòi nợ.
Có thể, CH Ailen không phải là đội có thực lực quá đáng sợ - nhất là từ trận thua 0-3 trước Bỉ, nhưng vấn đề nằm ở chỗ, chính người Pháp cần phải biết cách giải quyết trận đấu sớm hơn.
Nhìn lại vòng đấu bảng, cả 4 bàn thắng mà Les Bleus có được đều đến trong hiệp 2. 3 trong số đó ở thời khắc cuối trận – phút 89 cho đến phút bù giờ thứ 6. Nghĩa là, đội bóng áo Lam đang dựa nhiều vào cái gọi là “khoảnh khắc” hơn là khả năng tận dụng cơ hội từ việc chiếm lĩnh thế trận.
Olivier Giroud được sử dụng ở 2 trận, Andre-Pierre Gignac đá 1 trận trong vai trò tiền đạo trung tâm. Giữa họ chỉ có 1 bàn thắng – bàn đầu tiên tại EURO 2016 của Giroud.
Dễ nhận thấy, cơ hội dành cho Giroud không phải ít, đặc biệt là những tình huống bóng bổng. Với một cầu thủ cần một khoảng không vừa đủ để sử dụng đôi chân thì bóng bổng là lựa chọn hợp lý, nhất là khi các hậu vệ thường không để mở quá nhiều khoảng trống. Có điều, thế mạnh của Giroud được phát huy quá ít.
Với Gignac, cơ hội dành cho anh còn ít hơn, vì dường như mối liên kết với các tiền vệ xung quanh là không thực sự liền mạch.
Chủ tịch LĐBĐ Pháp, Noel Le Graet, nói về khả năng mở cửa cho Karim Benzema trở lại ĐTQG, có lẽ, cũng xuất phát từ việc chứng kiến hàng công đội nhà ở các trận vừa qua.
Benzema, khi đã quá quen với cách chơi bóng ở Real Madrid, anh không chỉ làm tốt vai trò tiền đạo trung tâm mà còn biết cách lôi kéo hậu vệ đối phương khi cần, phối hợp với các tiền vệ cũng như dứt điểm đa dạng hơn.
Có một gợi ý cho HLV Didier Deschamps có thể phần nào cải thiện được tình hình – sử dụng 2 tiền đạo. Sau khi đã dùng chiến thuật 4-3-3 và 4-2-3-1, ông có thể thử chuyển thành 4-4-2. Tất nhiên, 2 tiền đạo không có nghĩa là tung cả Giroud và Gignac vào sân mà là đẩy Antoine Griezmann lên đá như tiền đạo thứ hai. Những gì cầu thủ này thể hiện ở Atletico Madrid khi đá cặp với Fernando Torres chính là điều mà HLV Diego Simeone đã phát huy được khả năng của anh thay vì kéo anh sang cánh trái. Với kỹ thuật cá nhân, Griezmann có thể phần nào đó thực hiện công việc của Benzema.
Ngoài chuyện tiền đạo, vai trò của Paul Pogba cũng cần được nhắc tới. Ở trận đấu với Thụy Sĩ, người ta thấy Pogba đã có những nỗ lực - mà như đánh giá của giới chuyên môn, vừa để chứng tỏ sự kỳ vọng của các CĐV Pháp đặt vào anh là không sai, vừa muốn lối chơi của đội nhà thoát khỏi sự ảnh hưởng từ Dimitri Payet.
Đó là một cách nghĩ tích cực, nhưng đối với người Pháp và giới chuyên môn, tất cả muốn thấy ở Pogba vai trò của một thủ lĩnh, dẫn dắt lối chơi chứ không phải một “chiến binh”, đảm nhận tất cả mọi việc – từ hỗ trợ phòng ngự, phát động tấn công cho đến tự mình dứt điểm.
Ở đây, hỗ trợ phòng ngự đã có N’Golo Kante, “chiến đấu” đã có Payet, nên Pogba cần truyền đạt “ý tưởng” qua những đường chuyền và cách di chuyển của anh. Nếu để ý kỹ, tiền vệ đang khoác áo CLB Juventus là một trong số những cầu thủ bị trượt chân nhiều nhất trong những lần tăng tốc và đổi hướng.
Một người lãnh đạo cần chậm lại một nhịp, hướng tầm nhìn ra xa hơn và đưa ra quyết định hỗ trợ đồng đội một cách hợp lý.
Nếu giải quyết được vấn đề ở hàng công và “hạn chế” tầm hoạt động, mở rộng ý tưởng của Pogba thì cơ hội đi sâu của đội bóng áo Lam là khá cao, mặc dù những bước tiếp theo có thể sẽ phải đối đầu với những đối thủ rất mạnh như Anh hoặc Đức, Italia, Tây Ban Nha.
Vòng knock-out là thời điểm các sai lầm cần được hạn chế và cơ hội tạo ra cần được tận dụng tối đa. Ở đây, các cầu thủ Pháp không có sự áp đặt lối chơi như Đức hay Tây Ban Nha, không có sức mạnh phòng ngự như Italia, nên vấn đề quan trọng là phát huy được sở trường của từng cá nhân, phục vụ cho ý đồ chiến thuật chứ không phải chỉ việc tung vào sân những cầu thủ tốt nhất mà không tạo được sợi dây liên lạc hợp lý, hiệu quả.
Tổng hợp - Thể thao Việt Nam - Đăng lúc: 17:56 24/06/2016
0 nhận xét:
Đăng nhận xét